Người cho đi
ENFJ – THE GIVERS – NGƯỜI CHO ĐI
Những người thuộc nhóm ENFJ có lối sống chủ đạo là cảm xúc hướng ngoại, tức là họ giải quyết những vấn đề theo cảm tính, hoặc theo cách mà những vấn đề đó phù hợp với hệ thống giá trị cá nhân của họ. Lối sống thứ hai là trực giác hướng nội, họ suy nghĩ về mọi việc dựa vào trực giác của bản thân.
ENFJ là những người có mối quan tâm đặc biệt đến con người. Họ hiểu được những khả năng của con người. Và hơn tất cả các nhóm khác, họ là những người có kĩ năng “đối nhân xử thế” xuất sắc. Họ hiểu và quan tâm đến mọi người, và có khả năng đặc biệt là mang lại điều tốt đẹp nhất cho người khác. Trao yêu thương, hỗ trợ và dành thời gian cho người khác là niềm hứng thú chính của các ENFJ. Họ biết cách lắng nghe, thấu hiểu, hỗ trợ cũng như động viên những người khác. Họ cảm thấy mãn nguyện nhất khi đem lại những giá trị cho người khác.
Bởi vì ENFJ có khả năng đối nhân xử thế phi thường, họ có khả năng khiến người khác làm chính xác những gì họ muốn. Họ “đi guốc trong bụng” người khác và luôn nhận được cách phản ứng mà họ mong muốn. Những động cơ của ENFJ thường không xuất phát từ sự ích kỉ, nhưng có một số ENFJ – họ phát triển một cách chưa hoàn thiện – được biết đến như là những người đã sử dụng sức mạnh của mình để thao túng người khác.
Bởi vì ENFJ là những người rất hướng ngoại, cho nên việc có thời gian ở một mình sẽ cực kỳ quan trọng đối với họ. Điều đó có thể là vấn đề đối với ENFJ, vì họ có xu hướng tự làm khó mình và trở nên bế tắc khi ở một mình. Vì vậy, ENFJ cần phải tránh tách biệt bản thân và nên hòa nhập với những người khác trong các hoạt động thường ngày hơn. Các ENFJ có xu hướng định hướng cuộc sống và những ưu tiên của họ theo nhu cầu của người khác mà không nhận ra những gì họ mong muốn. Việc đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích bản thân là điều tự nhiên với tính cách của ENFJ, nhưng họ cần phải hiểu rõ nhu cầu của mình để chăm lo cho bản thân nhiều hơn.
Các ENFJ thường khép kín hơn so với những người hướng ngoại khác. Mặc dù có những niềm tin rất mạnh mẽ nhưng họ thường tự kiềm chế việc bộc lộ những niềm tin đó nếu chúng cản trở họ trong việc đem lại điều tốt đẹp nhất cho người khác. Bởi vì sự quan tâm lớn nhất của họ là trở thành một người trung gian giúp thay đổi người khác, nên ENFJ thường thay đổi để tương tác cho phù hợp với mỗi người. Giống như thói quen của tắc kè, họ thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh, hơn là cho cá nhân họ.
Nói vậy không có nghĩa là ENFJ không có ý kiến riêng của họ. Các ENFJ có khả năng biểu lộ một cách rõ ràng và súc tích những nguyên tắc của bản thân cũng như ý kiến riêng của mình, miễn là những điều này không quá riêng tư thì ENFJ có thể bộc lộ ra ngoài. ENFJ có thể giao tiếp với người khác một cách tình cảm và cởi mở, nhưng họ thích thông cảm và hỗ trợ người khác hơn. Khi phải đối mặt với việc lựa chọn giữa những giá trị bản thân và sự đáp ứng những nhu cầu của người khác, họ thường chọn làm điều thứ hai.
Các ENFJ có thể cảm thấy hơi lạc lõng ngay cả khi ở trong một đám đông. Cảm giác cô đơn, lạc lõng đó có thể tăng lên nữa vì họ có xu hướng không muốn thể hiện con người thật của mình.
Mọi người yêu mến ENFJ vì họ luôn vui vẻ, thấu hiểu và yêu quý mọi người. Họ là điển hình của những người thẳng tính và trung thực. Thường thì ENFJ thể hiện sự tự tin rất mạnh mẽ và có khả năng làm được rất nhiều việc khác nhau. ENFJ thường là những con người thông minh, có khả năng tiềm tàng, đầy nghị lực và nhanh nhẹn. Họ thường làm tốt những việc mà họ cảm thấy hứng thú.
ENFJ muốn mọi việc phải được sắp xếp ngăn nắp, và sẵn sàng làm việc chăm chỉ để giữ tiến độ công việc cũng như giải quyết các vấn đề mập mờ. Họ thường có xu hướng chăm chút, đặc biệt với ngôi nhà của họ.
Ở nơi làm việc, các ENFJ thường làm tốt ở những vị trí cần tiếp xúc với nhiều người. Bản chất của họ thích hợp cho những việc liên quan đến quan hệ cộng đồng. Khả năng xuất chúng về thấu hiểu người khác và nói những gì cần thiết để khiến mọi người hạnh phúc đã vô tình biến họ trở thành nhà tư vấn. Ngoài ra, ENFJ rất thích được làm trung tâm của mọi sự chú ý, và họ làm rất tốt công việc đòi hỏi việc truyền cảm hứng cũng như dẫn dắt người khác, ví dụ như nghề giáo.
Các ENFJ thường không thích giải quyết những chuyện không liên quan đến con người. Họ không hiểu hoặc không đánh giá cao những chuyện đó, và thường không vui khi phải cố gắng giải quyết những vấn đề logic mà không có bất kì sự liên quan gì với con người. Thế giới quan của ENFJ là xem trọng khả năng của con người, vì vậy ENFJ xem trọng việc lập kế hoạch hơn những kết quả từ những kế hoạch đó. Họ rất háo hức với những kết quả có thể xảy ra trong tương lai, nhưng cũng rất dễ nản lòng hay mất bình tĩnh với hiện tại.
Các ENFJ có khả năng đặc biệt trong việc đối nhân xử thế, và họ hạnh phúc khi có thể sử dụng khả năng ấy để giúp đỡ người khác. Họ lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui cho bản thân mình. Sự quan tâm của họ về nhân loại và trực giác đặc biệt của họ về con người cho họ khả năng thấu hiểu được cả những cá nhân khép kín nhất.
Các ENFJ đều thực sự cần có các mối quan hệ gắn bó và thân thiết, họ luôn nỗ lực để tạo ra và giữ gìn các mối quan hệ của mình. Các ENFJ đều rất trung thành và đáng tin cậy trong các mối quan hệ.
Một ENFJ chưa phát triển về mặt cảm xúc có thể gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định chính xác và có thể phụ thuộc nhiều vào người khác trong quá trình đưa ra quyết định. Nếu họ chưa phát triển về trực giác, họ có thể không cân nhắc được những khả năng có thể xảy ra, và sẽ đánh giá các vấn đề vội vàng dựa trên những hệ thống các nguyên tắc có sẵn hay những quy luật xã hội mà chưa thực sự hiểu hoàn cảnh hiện tại. Một ENFJ chưa khẳng định được bản thân mình thường rất nhạy cảm trước những lời phê bình, và thường có xu hướng lo lắng thái quá hay cảm thấy tội lỗi. Họ cũng có xu hướng trở nên kiểm soát và thao túng người khác.
Tóm lại, ENFJ là người quyến rũ, nhiệt tình, hòa nhã, sáng tạo và đa dạng với sự hiểu biết sâu sắc trong việc hiểu suy nghĩ và cách hành xử của người khác. ENFJ thường rất được yêu quý bởi vì họ có khả năng đặc biệt trong việc nhìn thấy tiềm năng phát triển của con người, kết hợp với nỗ lực thực sự trong việc giúp đỡ người khác. Cũng như khi quan tâm chăm sóc người khác, ENFJ cần phải trân trọng những nhu cầu của bản thân như cách mà họ đối xử với người khác.
Các ENFJ nổi tiếng
Abraham Lincoln – Tổng thống Mỹ
Elizabeth Dole – Nữ chính trị gia người Mỹ
Johnny Depp (Pirates of the Caribbean) – Diễn viên nổi tiếng người Mỹ
Oprah Winfrey – Người dẫn chương trình truyền hình, một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới
ENFJ VÀ SỰ NGHIỆP
Cho dù bạn là một thanh niên đang tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội, hay một người trưởng thành đang muốn biết xem mình đang đi đúng hướng hay không, thì điều quan trọng là bạn hiểu chính mình và những đặc điểm tính cách có khả năng tác động đến sự thành công hay thất bại của bạn trong những ngành nghề khác nhau. Và cũng không kém phần quan trọng là bạn hiểu được điều gì là thực sự có ý nghĩa đối với bạn. Khi được trang bị những hiểu biết về các điểm mạnh và điểm yếu của mình cùng với sự nhận thức về điều mà bạn thực sự coi trọng, thì bạn đang ở trong một tâm thế rất tốt để chọn cho mình một nghề nghiệp mà bạn cảm thấy xứng đáng.
Các ENFJ thường có một số nét đặc trưng sau :
Chân thành và nhiệt tình quan tâm đến mọi người.
Coi trọng cảm xúc của mọi người.
Đánh giá cao cấu trúc và tổ chức.
Coi trọng sự hài hòa, và rất giỏi trong việc tạo ra sự hài hòa đó.
Đặc biệt giỏi trong việc đối nhân xử thế.
Không thích các vấn đề mang tính logic hay cần đến phân tích.
Khả năng tổ chức và sắp xếp tốt.
Trung thành và trung thực.
Sáng tạo và giàu trí tưởng tượng.
Thích sự đa dạng và những thử thách.
Lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui cho bản thân mình.
Cực kì nhạy cảm với những lời phê bình và xích mích.
Cần sự tán thành/ủng hộ của người khác để cảm thấy hài lòng với bản thân.
Sự linh hoạt trong tính cách lại khiến các ENFJ tốn khá nhiều thời gian trong việc chọn nghề. Một khi họ ở trong môi trường có nhiều sự hỗ trợ và khích lệ, họ sẽ làm rất tốt, đặc biệt là trong những công việc phải giao tiếp với con người và đối mặt với những thử thách đa dạng kích thích sự sáng tạo của họ.
Danh sách nghề nghiệp dưới đây được tạo ra dựa trên những cảm nhận về nghề nghiệp mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ thích hợp cho một ENFJ. Mục đích của nó là cho bạn một sự tham khảo chứ không phải là một bản danh sách chi tiết. Không có bất cứ một cam kết nào chứng tỏ rằng những sự nghiệp dưới đây sẽ phù hợp với bạn, bên cạnh đó cũng có thể sự nghiệp thích hợp nhất đối với bạn cũng nằm trong danh sách này.
Những gợi ý nghề nghiệp phù hợp với ENFJ:
Nhà tư vấn
Nhà tâm lý học
Công tác xã hội / Cố vấn
Nhà giáo
Tăng lữ (người tu hành)
Đại diện bán hàng
Quản lí nhân sự
Quản lí
Tổ chức sự kiện
Chính trị gia / Nhà ngoại giao
Nhà văn
PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH CỦA ENFJ
10 NGUYÊN TẮC ĐỂ ĐẠT THÀNH CÔNG
1. Trau dồi ưu điểm của mình. Hãy chắc chắn rằng bạn cho bản thân mình có cơ hội hòa nhập với người khác mà ở đó những đóng góp của bạn được trân trọng.
2. Hãy đối mặt với khuyết điểm của mình. Hãy chấp nhận những điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình. Bằng cách đối mặt với những điểm yếu, bạn có thể vượt qua chúng và chúng sẽ ít có khả năng ảnh hưởng đến bạn hơn.
3. Thể hiện cảm xúc của mình. Bạn cần biết rằng cảm xúc của bạn cũng quan trọng như cảm xúc của những người khác trong mọi tình huống. Kết quả tốt nhất chỉ được thể hiện nếu bạn biết cách trân trọng những cảm xúc và những giá trị của bản thân, vì thế hãy trân trọng những cảm xúc của mình như cách bạn trân trọng cảm xúc của những người khác.
4. Hãy quyết đoán. Đừng ngại khi đưa ra một quan điểm hoặc ý kiến. Bạn cần biết cách thể hiện cho người khác thấy tiềm năng và giá trị của một việc để thuyết phục họ điều đó đáng để thực hiện.
5. Mỉm cười với những lời chỉ trích. Tìm hiểu nguyên nhân tại sao những bất đồng và xích mích lại chỉ ra được sự khác nhau giữa người với người, và sử dụng chúng như một cơ hội cho bạn để phát triển bản thân. Đừng tự khiến bản thân cảm thấy mình phải có trách nhiệm đối với sự chỉ trích của người khác, mà hãy lắng nghe và thấu hiểu những cảm xúc và ý niệm mà nó đem lại cho bạn. Có thể sau đó bạn sẽ tìm ra giải pháp không những có thể giải quyết được vấn đề mà còn đem lại một kết quả toàn vẹn.
6. Hãy cố gắng hiểu người khác. Hãy nhớ rằng còn mười lăm nhóm tính cách khác, những người có cái nhìn khác với bạn. Thường thì mọi việc sẽ giải quyết dễ dàng hơn nếu bạn hiểu được quan điểm của họ.
7. Thấu hiểu chính bản thân mình. Đừng hạn chế những nhu cầu bản thân cho lợi ích của người khác quá nhiều. Bạn phải nhận ra bạn là một người quan trọng. Nếu bạn không đáp ứng chính những nhu cầu của bản thân thì làm sao bạn có thể tiếp tục gây ảnh hưởng và làm người khác hiểu rằng bạn sống đúng với những niềm tin của mình.
8. Hãy biết chấp nhận. Rất dễ để bạn nhận ra giá trị của người khác, nhưng họ sẽ có thể bỏ đi nếu bạn làm cho họ căng thẳng. Hãy cho họ thấy rằng bạn cảm thông với những nỗi sợ và giới hạn của họ, rồi dẫn họ một cách nhẹ nhàng theo cách mà bạn cảm nhận: dẫn dắt họ nhẹ nhàng đến với tình thương và sự thấu hiểu.
9. Hãy tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất. Đừng tự dằn vặt bản thân bằng việc cảm thấy giá trị bản thân bạn bị đánh mất bởi những người khác – rõ ràng là không đúng. Hãy để những tình huống tự xử lý và hãy tin rằng yêu thương luôn là câu trả lời cuối cùng.
10. Nếu chưa chắc chắn, hãy hỏi lại. Đừng tự đánh đồng việc thiếu những thông tin phản hồi là một với việc nhận được những phản hồi tiêu cực. Nếu bạn cần phản hồi từ người khác, hãy hỏi ngay!
ENFJ VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ
Các ENFJ luôn nỗ lực và nhiệt tình trong các mối quan hệ của họ. Ở mức độ nào đó, ENFJ định nghĩa bản thân họ bằng sự gần gũi và trung thực trong các mối quan hệ cá nhân của mình, vì vậy họ đầu tư nhiều vào các mối quan hệ như thể đó là công việc của họ. Họ có khả năng ứng xử tốt, có sự nhiệt tình cũng như chu đáo với người khác. Họ chấp nhận và quan tâm ân cần. Họ vượt trội trong khả năng mang đến những điều tốt đẹp cho người khác và giúp đỡ người khác một cách nồng nhiệt. Họ muốn sự xác nhận của đối phương dù gặp không ít khó khăn khi hỏi về điều đó. Khi một tình huống diễn ra, họ trở nên nhạy bén và sắc sảo. Sau khi đưa ra quan điểm của mình, họ trở về với bản chất ấm áp của mình. Họ có thể có xu hướng “yêu thương quá mức” với những người mà họ yêu quý, nhưng nhìn chung thì họ được đánh giá cao nhờ sự chân thành và sự quan tâm tự nhiên.
Điểm mạnh của ENFJ
Những thế mạnh của ENFJ sẽ được biểu lộ ra thông qua những vấn đề liên quan tới đối nhân xử thế:
Khả năng giao tiếp tốt.
Rất nhạy đối với những suy nghĩ và động cơ của người khác.
Truyền cảm hứng, động lực, đem lại những điều tốt đẹp nhất cho người khác.
Lúc nào cũng thể hiện và khẳng định tình cảm của mình.
Vui vẻ, hài hước, gây ấn tượng sâu sắc, có nghị lực và lạc quan.
Khả năng quản lý tài chính tốt.
Có thể vượt qua những mối quan hệ tình cảm thất bại (dù họ thường đổ lỗi cho chính mình).
Trung thành và tận tâm – họ muốn có những mối quan hệ bền vững.
Cố gắng để hai bên cùng thắng.
Cố gắng đáp ứng những nhu cầu của người khác.
Điểm cần khắc phục của ENFJ
Những điểm yếu của ENFJ cũng sẽ được biểu lộ ra thông qua những vấn đề liên quan tới đối nhân xử thế :
Có xu hướng yêu thương và bảo vệ thái quá.
Có xu hướng hay điều khiển hoặc/và chi phối người khác.
Không thực sự chú tâm vào nhu cầu của bản thân.
Xu hướng đưa ra lời phê bình với những ý kiến hay thái độ không đúng ý họ.
Đôi khi không nhận thức được về các chuẩn mực xã hội hay nghi thức giao tiếp xã hội.
Đặc biệt nhạy cảm với các mâu thuẫn, có xu hướng gạt bỏ và quên hết mọi chuyện như là một cách để tự trốn tránh.
Có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân khi mọi việc không như ý muốn, và không tự cho bản thân mình sự khen thưởng khi mọi việc như ý.
Những hệ thống giá trị được xác định rõ ràng của họ đôi khi quá cứng nhắc trong một số trường hợp.
Họ có thể hòa hợp với những thứ mà mọi người thường chấp nhận hoặc mong đợi vì thế họ không thể tự quyết định một việc là “đúng” hay “sai” nếu trái với khuôn mẫu mà môi trường sống của họ định sẵn.
Nguồn dịch: TGM Corporation